Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tuyên bố khoảng 90% tên lửa đạn đạo sử dụng trong đòn tấn công Israel đã “đánh trúng mục tiêu”.
Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đêm 1/10 thông báo tiến hành chiến dịch “Lời hứa Đích thực 2” nhắm vào ba căn cứ quân sự Israel gần thành phố Tel Aviv gồm sân bay Nevatim, Tel Nof và Hatzerim, khẳng định 90% tên lửa “đã đánh trúng mục tiêu”.
Nevatim là một trong những căn cứ không quân lớn nhất và là nơi đóng quân của 3 phi đoàn tiêm kích tàng hình F-35I. Tel Nof là cơ sở tập kết hai phi đoàn chiến đấu cơ hạng nặng F-15C/D và một đơn vị máy bay không người lái (UAV) trinh sát.
IRGC cũng tuyên bố lần đầu phóng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm Fattah-2, phá hủy “radar thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa َArrow 2/3” của Israel.
Tên lửa siêu vượt âm là vũ khí có tốc độ tối thiểu gấp 5 lần âm thanh (Mach 5), tương đương hơn 6.200 km/h. Những vũ khí bay nhanh hơn vận tốc âm thanh nhưng không đạt ngưỡng Mach 5 thường chỉ được gọi là tên lửa siêu thanh.
Tên lửa siêu vượt âm dẫn đường chính xác Fattah được IRGC công bố hồi tháng 6 năm ngoái, được quảng bá “là bước nhảy vọt lớn trong lĩnh vực tên lửa” của Iran. IRGC cho hay Fattah có tầm bắn 1.400 km, đạt tốc độ tối đa Mach 14 (khoảng 15.000 km/h), nhanh gấp 14 lần vận tốc âm thanh.
Iran khẳng định tên lửa Fattah có khả năng “xuyên thủng mọi lá chắn phòng thủ”, nhưng Bộ Quốc phòng Israel sau đó tuyên bố họ đủ khả năng đánh bại mọi loại tên lửa của Iran, kể cả tên lửa siêu vượt âm.
Giới chuyên gia nhận định một mảnh vỡ thu được sau trận tập kích có kết cấu cánh giống tên lửa siêu vượt âm Fattah-1 và tên lửa đạn đạo tầm trung Kheibar Shekan.
Fabian Hinz, chuyên gia về chương trình tên lửa của Iran tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh, hai mẫu tên lửa này dùng chung hệ thống động lực và rất khó phân biệt, song ông khẳng định Iran “đã dùng những tên lửa tiên tiến nhất” trong vụ tập kích.
Iran khẳng định đòn tấn công tên lửa vào Israel là động thái “phù hợp với quyền tự vệ của Tehran” theo quy định quốc tế.
Theo ước tính của quân đội Israel, Iran đã phóng khoảng 180 tên lửa đạn đạo trong chiến dịch này. Có hai người Israel bị thương vì mảnh vỡ tên lửa ở Tel Aviv và một dân thường Palestine thiệt mạng vì mảnh vỡ ở Jericho.
Israel chưa xác định mức độ thiệt hại trong đợt tập kích và từ chối công bố địa điểm trúng tên lửa. Nhiều hình ảnh tên lửa lao xuống mục tiêu được đăng trên mạng xã hội, trong đó một số được xác định là quay gần khu vực sân bay Tel Nof và Nevatim.
Người phát ngôn quân đội Israel Daniel Hagari khẳng định không quân nước này “vẫn đảm bảo năng lực hoạt động bình thường và sẽ tiếp tục không kích quyết liệt ở Trung Đông”. Ông cảnh báo Iran đã “phạm sai lầm nghiêm trọng” và đang khiến xung đột Trung Đông leo thang.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhận định chiến dịch của Iran “có vẻ đã bị đánh bại”, song khẳng định tình hình khu vực còn nhiều biến động và chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi.
Lầu Năm Góc thông báo hai khu trục hạm Mỹ đã tham gia đánh chặn tên lửa Iran và sử dụng hơn 10 tên lửa phòng không, nhưng không tiết lộ chủng loại. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Patrick Ryder khẳng định không có vũ khí hoặc khí tài nào khác tham gia đánh chặn tên lửa Iran.
Tổng cục An ninh Công cộng Jordan xác nhận các lực lượng phòng không và không quân nước này cũng tham gia đánh chặn “tên lửa và UAV xâm nhập không phận Jordan”.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey thông báo quân đội nước này đã “tham gia nỗ lực ngăn chặn leo thang ở Trung Đông”, khẳng định các binh sĩ Anh đã hành động “dũng cảm và chuyên nghiệp” song không mô tả cụ thể. Bộ Quốc phòng Anh không bình luận liệu quân đội nước này có tham gia đánh chặn tên lửa Iran hay không.